Chùa Thiên Mụ – Ngôi chùa về dày lịch sử 400 năm ở Xứ Huế

Khi nhắc đến chùa chiền ở Huế, mình tin chùa Thiên Mụ sẽ là một trong những chùa được nhắc đến đầu tiên. Có lẽ là vì “vị trí đắc địa” bên bờ sông Hương thơ mộng, gần kinh thành và cũng vì sự cổ kính, lâu đời, gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của ngôi chùa này.
Chùa Thiên Mụ, còn được gọi là Chùa Linh Mụ, là một ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, thuộc phường Hương Long, ở phía tây bắc thành phố Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, Việt Nam. Cách kinh thành Huế khoảng 4km.
Rất dễ bị ấn tượng bởi vị trí, kiến trúc và cảnh quan xung quanh của chùa Thiên Mụ ở những bước chân đầu tiên lên bậc thang để lên chùa. Quay lưng lại là dòng sông Hương thơ mộng ngay phía sau. Đây quả xứng đáng là một biểu tượng nổi bật của văn hóa và tôn giáo ở Huế.
Được xây dựng vào năm 1601, đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị Chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Thiên Mụ là một trong những ngôi Quốc tự ra đời sớm nhất tại Đàng Trong, không chỉ là điểm quy hướng tâm linh của cộng đồng mà còn là nơi thường diễn ra các Quốc lễ, các nghi lễ Phật giáo quan trọng kể từ đầu thế kỷ XVII.
Trước thời điểm Chúa Nguyễn Hoàng khởi lập chùa, trên đồi Hà Khê có ngôi chùa cũng mang tên Thiên Mỗ hoặc Thiên Mẫu, là một ngôi chùa của người Chăm.
Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.
Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.
Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng bắt nhịp được với ý nguyện của dân chúng. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ” (Thiên là trời, Mụ là bà cụ).
Dựa theo huyền thoại, đồng thời căn cứ hình dạng Hán tự từng ghi trên bao tài liệu cấu tạo bằng nhiều chất liệu, đủ khẳng định rằng trong tên Thiên Mụ, ngữ tố “Thiên” có nghĩa là “Trời”.
Dưới thời chúa Quốc – Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) theo đà phát triển và hưng thịnh của Phật giáo xứ Đàng Trong, chùa được xây dựng lại quy mô hơn. Thiên Mụ bấy giờ trở thành quốc bảo của triều đình.
Năm 1665, chúa Hiền – Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa.
Năm 1710, chúa Quốc – Nguyễn Phúc Chu cho đúc một chiếc chuông lớn, nặng tới trên hai tấn, gọi là Đại Hồng Chung, có khắc một bài minh trên đó. Đây là chiếc chuông lớn thứ nhì ở Việt Nam (chỉ sau chuông của chùa Cổ Lễ ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).
“Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương”.
Đến năm 1714, chúa Quốc lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền… mà nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa. Chúa Quốc còn đích thân viết bài văn, khắc vào bia lớn (cao 2m6, rộng 1m2) nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, việc cho người sang Trung Quốc mua hơn 1000 bộ kinh Phật đưa về đặt tại lầu Tàng Kinh, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm – người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp.
Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm Đàn Tế Xã Tắc dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn.
Năm 1844, nhân dịp mừng lễ “Bát Thọ” của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm một ngôi tháp bát giác gọi là Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi lại việc dựng tháp, đình và các bài thơ văn của nhà vua.
Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ “Thiên” phạm đến Trời nên cho đổi từ “Thiên Mụ” thành “Linh Mụ” (hay “Bà cụ linh thiêng”). Vấn đề kiêng cữ như đã nêu chỉ diễn tiến từ năm Nhâm Tuất (1862) cho tới năm Kỷ Tỵ (1869). Sau 7 năm, mệnh vua không có gì đổi thay, nên nhà vua hạ chỉ trả lại tên chùa là Thiên Mụ, người dân thoải mái gọi hai tên: chùa Thiên Mụ và chùa Linh Mụ.
Trận bão năm 1904 đã tàn phá chùa nặng nề. Nhiều công trình bị hư hỏng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn (nay vẫn còn dấu tích).
Năm 1907, vua Thành Thái cho xây dựng lại, nhưng chùa không còn được to lớn như trước nữa. Hai bên tháp có hai nhà tứ giác, đặt hai tấm bia đời Thiệu Trị. Sâu vào bên trong là hai nhà lục giác, một nhà để bia và một nhà để quả chuông đúc đời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Hai công trình kiến trúc chính của chùa là Tháp Phước Duyên và Điện Đại Hùng.
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp có hình bát giác, thân tháp xây bằng gạch mộc, cao 21 m, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng.
Điện Đại Hùng là ngôi điện chính trong chùa, có kiến trúc nguy nga đồ sộ; ngoài bức tượng Phật bằng đồng trong điện còn có vô số tượng và một khánh đồng đúc năm 1677; một bức hoành phi bằng gỗ được sơn son thếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng năm 1714.
Khi vào sâu bên trong, còn có chiếc xe ô tô cùng diễu hành và đưa tiễn cố Hòa thượng Thích Quảng Đức khi châm lửa tự thiêu để phản đối chế độ Sài Gòn năm 1963.
Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời.
Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế (Quần thể kiến trúc cố đô Huế) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, trong đó có chùa Thiên Mụ (nằm ở phần Các di tích ngoài kinh thành).
Với kiến trúc độc đáo, di sản văn hóa phong phú và không khí yên bình, chùa Thiên Mụ là một điểm đến hấp dẫn không chỉ ở Huế mà còn ở cả Việt Nam nói chung.
Bên cạnh lịch sử, chùa Thiên Mụ cũng là một phần không thể tách rời của văn hóa Huế. Huế từ lâu đã được biết đến với văn hóa phong phú và tinh túy của mình, và chùa Thiên Mụ là một biểu tượng đại diện cho vẻ đẹp và sự trang trọng của văn hóa Huế. Thông qua việc thăm quan chùa, team mình có cơ hội hiểu rõ hơn về tín ngưỡng Phật giáo và những giá trị tâm linh của dân Việt Nam ta.
Vẫn là một nguyên tắc quan trọng khi vào chùa chiền hay các địa điểm tôn giáo khác, mình vẫn luôn dặn dò bản thân và những người đi cùng: Ăn mặc chỉnh tề, kín đáo và thanh lịch.
Ngoài ra, chùa Thiên Mụ còn nổi tiếng bởi câu chuyện “Oán tình duyên”.
Chuyện kể rằng, ở vùng đất đó có một đôi trai gái yêu nhau say đắm. Nhưng không may, tư tưởng thời đó không chấp nhận một chàng trai không có của cải, gia đình thấp hèn có thể kết hôn với con nhà tiểu thư khuê các. Vì thời đó, “môn đăng hộ đối” và tư tưởng lễ giáo phong kiến ”cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” còn vô cùng nặng nề. Do đó, tình yêu của họ vướng vào sự phản đối quyết liệt từ gia đình cô gái.
Sự cấm đoán đó đã khiến cả 2 đưa ra quyết định cùng nhau ra bến thuyền gieo mình xuống dòng sông Hương để được ở bên nhau. Tuy nhiên, chỉ có chàng trai ra đi, còn cô gái thì trôi dạt vào bờ và được người dân cứu sống.
Trải qua nhiều năm cô gái cũng đã dần quên ký ức và gả vào một gia đình giàu có và bắt đầu cuộc sống mới. Trong khi đó, chàng trai vẫn chờ đợi cô gái ở thế giới bên kia nhưng mãi không thấy. Chàng uất ức và “nhập” vào chùa Thiên Mụ. Từ đó về sau, người ta truyền tai lời nguyền rằng “Bất kỳ cặp đôi yêu nhau nào tới đây đều sẽ chia ly đôi ngả”.
Theo một số nguồn tin, sư Thầy tại chùa có đính chính rằng đó chỉ là lời đồn đại không có căn cứ, và từ câu chuyện tương đồng của vài trăm năm trước rồi thêu dệt thêm. Hoặc thời xưa khuôn viên chùa có khá nhiều cây cối, để hạn chế việc các cặp đôi rủ nhau lên chùa viếng cảnh và lợi dụng cây cối che khuất để làm những chuyện không hay, người dân dựng lên câu chuyện trên để giữ sự thanh tịnh cho chùa.
Tất nhiên, những câu chuyện nhân gian truyền miệng như vậy vẫn luôn tồn tại và kéo dài từ đời này sang đời khác. Chúng ta không tranh cãi về việc đúng hay sai. Vì đúng hay sai sẽ phụ thuộc vào việc trùng hợp hay không. Mình thấy rất nhiều người về chia tay là thật, và hạnh phúc lâu bền cũng là thật. Suy cho cùng, bền vững hay tan nát đều ở lòng người và cách chúng ta đối xử với nhau, nếu một ngôi nhà được xây trên một nền móng yếu ớt thì một tác động nhỏ cũng có thể sụp đổ. Nên một nơi chốn nào đó dường như không phải là yếu tố tác động, huống chi đây lại là nơi để người ta cầu cho sự bình an và hạnh phúc.

Nguồn tổng hợp – Admin

DỊCH VỤ

FANPAGE

Có thể biết thêm

No data was found